Market Analysis
Nhận định trong buổi livestream Khớp lệnh ngày 23/09, ông Nguyễn Việt Đức - Giám đốc Kinh doanh Số, CTCP Chứng khoán VPBank (HM:VPB) (VPBankS) cho rằng bối cảnh hiện tại khá giống giai đoạn diễn ra “uptrend thế kỷ” gần nhất, nếu như năm 2015 tích lũy để 2016 bứt phá thì 2024 tích lũy để 2025 bứt phá.
Năm 2024 tích lũy để 2025 bứt phá
Theo nhiều dự đoán, Fed sẽ giảm lãi suất thêm ít nhất 50 điểm cơ bản trong năm 2024, năm 2025 sẽ giảm 100 điểm và năm 2026 giảm tiếp 50 điểm. Trước khi Fed hạ lãi suất thì Việt Nam cũng hạ ngay lãi suất OMO. Hiện tại, lãi suất OMO của Việt Nam là 4%, Fed là 4.75-5%. Do đó, ông Đức cho rằng nếu Fed giảm lãi suất tiếp 200 điểm cơ bản thì Việt Nam hoàn toàn có thể hạ về 2% trong thời gian tới.
Dễ thấy việc giảm lãi suất đã có lộ trình nhưng theo ông Đức, phản ứng của nhà đầu tư thường chậm hơn lộ trình đó.
“Chúng ta đều biết lãi suất hạ nhưng bao nhiêu người nghĩ rằng giảm được 200 điểm cơ bản nữa. Tiếp theo là lợi nhuận doanh nghiệp bao giờ cũng đi sau lãi suất, cụ thể lãi suất giảm thì phải 6 tháng đến 1 năm sau doanh nghiệp mới được hưởng lợi và phản ánh hoàn toàn vào TTCK. Do đó, kịch bản là lình xình trong 3-6 tháng tới và chưa thể có uptrend thế kỷ ngay lúc này”, ông Đức nhận định.
Hiện tại, các công ty chứng khoán và ngân hàng tỏ ra cẩn trọng, phần lớn chỉ kỳ vọng VN-Index đạt 1,350 điểm. Khi sự cẩn trọng được phản ánh vào thị trường sẽ tạo ra cơ hội.
Ông Đức cho biết trong lịch sử, để thị trường có "uptrend thế kỷ" phải kết hợp nhiều yếu tố chứ không riêng việc Fed giảm lãi suất. Bối cảnh hiện tại khá giống năm 2015, với câu chuyện Trung Quốc suy thoái ảnh hưởng nhiều đến TTCK Việt Nam, đồng thời Mỹ đối diện với suy thoái mềm, bên cạnh câu chuyện nâng hạng thị trường cũng rất thu hút.
Trong thời gian tới, nếu kinh tế Mỹ hạ cánh mềm, Trung Quốc kết thúc được giảm phát để đi lên thì đây là cơ hội vàng. Thiên thời là các nước trên thế giới, địa lợi là Việt Nam vào được thị trường mới nổi và nhân hòa là lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng trở lại sau 2 năm đi ngang. Nếu năm 2015 tích lũy để 2016 bứt phá thì 2024 tích lũy để 2025 bứt phá.
VN-Index hơi đắt về định giá, dự báo biến động trong vùng 1,305-1,320 đến hết năm 2024
Ông Đức cho rằng thị trường hiện vẫn hơi đắt về định giá. Năm 2015, để có con sóng VN-Index tăng từ 534 lên 1,200 điểm thì P/E VN-Index chỉ khoảng 10 lần, còn hiện nay định giá đang là 14 lần. Để định giá rẻ hơn thì giá phải giảm hoặc lợi nhuận đi lên.
Thị trường hiện đang có nhiều câu chuyện như Fed hạ lãi suất, Trung Quốc giảm suy thoái, nâng hạng thị trường… Ngoài ra, còn câu chuyện chu kỳ với giai đoạn từ tháng 11 đến tháng 4 hàng năm là thời kỳ tăng mạnh nhất của TTCK thế giới và TTCK Việt Nam cũng vậy.
Trong tháng 10 tới, TTCK khó đi lên do trước bầu cử Mỹ khó có sóng. Sóng bầu cử Mỹ sẽ có 2 đợt, đợt đầu tiên là tháng 8 và 9 lúc các ứng cử viên có động thái rõ về kinh tế, sau đó TTCK đi ngang đến đầu tháng 11 bầu cử xong sẽ tăng mạnh. TTCK Việt Nam lại bị ảnh hưởng nhất bởi Mỹ, độ tương thích đến 90%, nguyên nhân vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và câu chuyện FDI.
Do vậy, trong tháng 10, khả năng TTCK chưa có điều gì xảy ra và nếu có nhịp giảm là cơ hội mua vào. Mặc khác, lợi nhuận quý 3/2024 cũng không có đột biến mà phải chờ đến quý 4.
Riêng quý 3, lợi nhuận sẽ phân hóa với ngành bất động sản vẫn khó khăn, song ngân hàng sẽ là động lực tăng trưởng của thị trường. Lãi suất đi xuống giúp ngân hàng nới rộng NIM, qua đó vẫn là nhóm chiến lược giúp nhà đầu tư kiếm lời đến cuối năm 2024. Đồng thời, định giá nhóm ngân hàng hiện đang rất rẻ.
Theo ông Đức, thị trường đang không có quá nhiều thông tin tích cực để vượt đỉnh, nên đến hết năm 2024 có thể chỉ biến động trong khoảng 1,305-1,320 điểm.