Market Analysis
Thị trường IB Việt Nam từng được ví như miền đất hứa, nhưng bỗng trở nên khô cằn trong vài năm trở lại đây vì nhiều nguyên nhân. Tuy vậy, theo ông Nguyễn Văn Quang - Trưởng bộ phận Ngân hàng đầu tư của Công ty Chứng khoán NH Việt Nam (NHSV), đây vẫn là một thị trường giàu tiềm năng trong dài hạn và có thể trở nên sôi động trở lại nếu thị trường chứng khoán Việt được nâng hạng thành công.
Cách đây vài năm, mảng IB tưởng như đã trở thành miền đất hứa của các định chế tài chính tại Việt Nam - chính là bộ phận Ngân hàng đầu tư của các công ty chứng khoán. Từ năm 2018, khái niệm IB trở nên quen thuộc hơn với nhiều thương vụ đình đám diễn ra. Nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài được đánh giá là rất lớn, kéo theo dòng vốn ngoại ồ ạt chảy vào trong nước.
Nhưng miền đất hứa đấy bỗng trở nên khô cằn vì nhiều nguyên nhân. Từ dịch bệnh COVID-19 năm 2021, kéo dài qua năm 2022 và 2023, thị trường M&A đã chững lại. Thị trường trái phiếu cũng chịu ảnh hưởng nặng nề trước cú sốc xảy ra với thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp giai đoạn cuối năm 2022 - 2023, tạo ra điểm nghẽn cho kênh huy động vốn của doanh nghiệp.
Tuy vậy, sau giai đoạn trầm lắng ở nửa đầu năm 2024, thị trường đang cho thấy những dấu hiệu khởi sắc, với sự xuất hiện các giao dịch M&A lớn trị giá từ vài chục triệu USD đến vài trăm triệu USD. Các đơn vị thực hiện nghiệp vụ IB, vì thế, tin rằng đây vẫn là thị trường giàu tiềm năng, như nhận định của ông Nguyễn Văn Quang - Trưởng bộ phận Ngân hàng đầu tư của Công ty Chứng khoán NH Việt Nam (NHSV).
Ông Nguyễn Văn Quang chia sẻ, mảng M&A tại Việt Nam đã phải đối mặt với những khó khăn liên tiếp, chỉ ghi nhận vài thương vụ được chốt từ đầu năm. Một số ngân hàng lớn cũng đã phải trì hoãn kế hoạch phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược.
Tuy vậy, ông cho rằng, tiềm năng của thị trường này sẽ được cải thiện nếu như Việt Nam nâng hạng thị trường chứng khoán thành công trong cuối năm 2024. Do vậy, các quỹ đầu tư cũng đánh giá đây là thị trường tích cực, được ưu tiên cho dài hạn.
Bên cạnh đó, đối với nghiệp vụ IB trong thị trường nhiều biến động hiện tại, ông Quang cũng cho rằng các công ty chứng khoán cần có quy trình kiểm soát rủi ro chặt chẽ.
“Với câu chuyện quản lý rủi ro, NHSV sàng lọc, đánh giá chặt chẽ khách hàng cũng như tìm hiểu kỹ các quy định, luật liên quan tới hoạt động tư vấn của mình, nhằm tuân thủ tuyệt đối các quy định liên quan hoạt động này. Đối với hoạt động nào không có thế mạnh, NHSV sẽ kết hợp với những đơn vị tư vấn hàng đầu để cùng tham ra hỗ trợ thương vụ”.
“Với định hướng IB vẫn là mảng cốt lõi trong chiến lược 5 năm tới, NHSV vẫn tiếp tục tuyển dụng, xây dựng đội ngũ nhân sự để đón cơ hội khi Việt Nam được nâng hạng thị trường” - ông nói.
Xu hướng ESG đòi hỏi doanh nghiệp thực hiện nhanh chóng
Trong lúc mục tiêu phát triển bền vững đang dần trở thành chuẩn chung toàn cầu, các quỹ đầu tư quốc tế đều quan tâm đến yếu tố ESG trước khi ra quyết định đầu tư. Theo ông Quang, các doanh nghiệp Việt Nam cần được khuyến khích tuân thủ, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.
“Các nước phát triển đã dựng hàng rào về phát thải carbon, có hiệu lực chính thức từ tháng 1/2026, để thúc đẩy các quốc gia khác - bao gồm Việt Nam - thực hiện giảm phát thải. Như vậy, từ ngày 1/1/2025, Việt Nam muốn xuất khẩu nông sản phải chứng minh hàng hóa đó không xuất phát từ phá rừng sau ngày 31/12/2024. Ngoài ra, còn các vấn đề như xây dựng biên giới carbon, rừng, nhựa trong doanh nghiệp sản xuất...
Để không bị bỏ lại phía sau, Việt Nam cần khuyến khích doanh nghiệp thực hiện bộ tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị) để tăng uy tín doanh nghiệp, đồng thời đáp ứng điều kiện về hàng rào thuế quan vào các thị trường đòi hỏi “xanh” như EU, Mỹ...
Cũng từ đây, hoạt động IB của công ty chứng khoán cần định hướng gắn liền với ESG, hoạt động IB xanh. Đối với doanh nghiệp, cần tìm hiểu kỹ các quy định quốc tế dựa trên ngành nghề hoạt động của mình để chú trọng nhiều đến yếu tố nào trong 3 yếu tố E-S-G” - ông nhận định.