English
English
Tiếng Việt
ภาษาไทย
繁體中文
한국어
Bahasa Indonesia
Español
Português
zu-ZA
0

Market Analysis

Các ngân hàng sẽ kéo dài thời gian tái cơ cấu, trả nợ đến hết năm 2024
Investing · 9.8K Views

image.png

 

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 06/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đến hết năm 2024. Như vậy, các ngân hàng được kéo dài thời gian cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng thêm 6 tháng, theo An Ninh Tiền Tệ.

 

Theo lãnh đạo NHNN, dù kinh tế vĩ mô các tháng đầu năm 2024 cơ bản ổn định, kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi, nhưng khó khăn, thách thức dự báo tiếp tục kéo dài trong năm nay. Chủ trương của Quốc hội và Chính phủ là tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2024. Do vậy, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ sẽ góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế.

 

Theo quy định, các tổ chức tín dụng phải xác định số tiền dự phòng cụ thể phải trích đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng như trong trường hợp không áp dụng quy định giữ nguyên nhóm nợ và phải thực hiện trích lập bổ sung đầy đủ vào ngày 31/12/2024. Vì vậy, đến cuối năm 2024, tổ chức tín dụng có đủ tài chính để xử lý rủi ro như trong trường hợp tổ chức tín dụng thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định hiện hành (Thông tư 11/2021/TT-NHNN).

 

Như vậy, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến hết ngày 31/12/2024 sẽ không ảnh hưởng đến cơ chế trích lập dự phòng rủi ro do kéo dài thời gian cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với hệ thống. Ngoài ra, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến ngày 31/12/2024 sẽ góp phần làm giảm mức độ gia tăng nợ xấu nội bảng của tổ chức tín dụng và tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng thực hiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, góp phần hỗ trợ phục hồi kinh tế.

 

Lý giải về việc chỉ kéo dài thêm 6 tháng, Phó thống đốc thường trực NHNN, ông Đào Minh Tú cho biết, mức độ, liều lượng của chính sách phải đảm bảo hài hòa hai vấn đề là chất lượng hoạt động của các ngân hàng và hỗ trợ doanh nghiệp, nên trước mắt chỉ kéo dài thêm 6 tháng. Điều kiện cơ cấu nợ sẽ do các tổ chức tín dụng xem xét, đánh giá. Thời gian cơ cấu không vượt quá 12 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn. Chủ trương này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế.

 

Ngân hàng sẵn sàng tái cơ cấu nợ

 

Thực tế cho thấy, việc kéo dài Thông tư 02/2023/TT-NHNN là nguyện vọng của hầu hết ngân hàng. Trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm, nhu cầu tín dụng yếu (tín dụng nền kinh tế đến ngày 14/6 tăng 3,79% so với cuối năm 2023), nếu thông tư này hết hạn ngày 30/6, sẽ tạo áp lực trả nợ rất lớn cho các doanh nghiệp, trong khi việc xử lý nợ xấu đang gặp khó khăn.

 

Vì thế, việc Thông tư 02/2023/TT-NHNN được gia hạn thêm thời gian sẽ tạo điều kiện không chỉ cho doanh nghiệp trong việc trả nợ, mà ngân hàng được “che” bớt nợ xấu. Số liệu mới nhất từ NHNN, đến ngày 31/12/2023, có gần 188.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu trên 183.500 tỷ đồng.

 

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, việc tiếp tục áp dụng Thông tư 02/2023/TT-NHNN có lợi trước mắt cho người đi vay và cả ngân hàng, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro lớn khi nợ xấu (nợ nhóm 3-5) không được thể hiện một cách chính xác. Với quy định này, thì những con số tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng sẽ thấp hơn thực tế.

 

Nhận định từ Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (HM:MBB), ông Phạm Như Ánh, cho biết qua đánh giá tác động, các doanh nghiệp đang trong diện gia hạn nợ, cơ cấu nợ vẫn còn gặp khó khăn. Việc gia hạn nợ là cần thiết trong bối cảnh hiện tại, khi các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn về dòng tiền, dù có nhiều chính sách hỗ trợ. Nhờ không bị chuyển nhóm nợ xấu, các doanh nghiệp có thể duy trì được các quan hệ tín dụng tốt hơn với các ngân hàng khác nhau. Lãnh đạo MB kỳ vọng, hết năm 2024, mọi việc sẽ đi vào ổn định, kinh tế thế giới có chuyển biến tích cực, việc triển khai Thông tư 06/2024/TT-NHNN không ảnh hưởng đến việc quản trị tín dụng, cũng như khách hàng của MB.

 


Theo ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (HM:ACB), nợ từ nhóm 2 trở lên có thể bị áp lực, nếu khách hàng ở ngân hàng khác bị chuyển nhóm nợ thì ACB cũng phải chuyển nhóm nợ. ACB có những biện pháp kiểm soát hiệu quả hơn, với những khách hàng ảnh hưởng bởi các khoản vay ngân hàng khác, thì đề nghị khách hàng thanh lý các khoản vay ACB. Ngân hàng ACB đã tăng cường trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong quý đầu năm nay khi dành đến 512 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ. Kết quả là, Ngân hàng lãi trước thuế hơn 4.892 tỷ đồng trong quý này, giảm 5% so với cùng kỳ. Ông Từ Tiến Phát cho biết, lợi nhuận quý đầu năm 2024 giảm nhẹ do cùng kỳ năm 2023 có khoản thu nhập bất thường và tăng trích lập dự phòng nợ vay.

 

Theo VIS Rating, rủi ro tín dụng đến từ nhóm ngành bất động sản sẽ dần ổn định khi các vấn đề pháp lý dần được tháo gỡ và doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay. Tuy nhiên, VIS Rating cho rằng, các chủ đầu tư sử dụng đòn bẩy cao với dòng tiền kinh doanh hồi phục chậm và đang vướng vào vấn đề pháp lý hoặc các dự án mang tính đầu cơ, sẽ tiếp tục là rủi ro chính đối với chất lượng tài sản của ngành ngân hàng.

Need Help?
Click Here